Trong suốt thời gian gần đây, cứ khoảng mỗi tháng 1 lần, Xiaomi lại giới thiệu 1 sản phẩm mới. Riêng về smartphone, chiếc Redmi Note 2 ra mắt chưa lâu thì phiên bản kế nhiệm của nó đã được tung ra với tên Xiaomi Redmi Note 3 với chất liệu đã thay đổi hoàn toàn, từ nhựa sang kim loại cùng cảm biến vân tay dạng chạm.
Xiaomi Redmi Note 3 cũng khá tốt với màn hình 5.5 inch độ phân giải Full HD, vi xử lí MediaTek Helio X10 MT6795 (tám lõi Cortex-A53 tốc độ 2GHz, 64-bit), GPU PowerVR G6200, tùy chọn bộ nhớ 16 GB với RAM 2GB hoặc bộ nhớ 32 GB với RAM 3GB, camera chính 13 MP, camera trước 5MP, pin 4000 mAh, 2 khe cắm SIM đều hỗ trợ kết nối 4G LTE.
Chiếc Redmi Note 2 trong bài trên tay này là phiên bản xách tay có bộ nhớ 16GB và 2GB RAM, được chúng tôi lấy từ cửa hàng Lộc Mobile với mức giá gần 4 triệu đồng, cao hơn gần 1 triệu đồng so với mức giá 3,1 triệu mà Xiaomi công bố tại Trung Quốc.
Trong khi đó, phiên bản 3G RAM và 32 GB bộ nhớ trong đang được bán phổ biến ở Việt Nam với mức giá khoảng 5 triệu đồng, cũng cao hơn khoảng 1 triệu đồng so vớ mức giá hiện tại ở thị trường nội địa.
Thiết kế
Khác với những sản phẩm trước đây, chiếc Xiaomi Redmi Note 3 không còn dùng hộp đựng từ giấy tái chế với rất ít thông tin và hình ảnh trên vỏ hộp nữa mà chuyển sang dạng hộp thông thường với hình ảnh sản phẩm được in đầy đủ.
Tuy nhiên, phụ kiện đi kèm máy vẫn chỉ có duy nhất 1 củ sạc và cáp microUSB, không có tai nghe, giống như các điện thoại trước đây của Xiaomi. Củ sạc có đầu ra 5V – 2A, không phải loại sạc nhanh.
Dòng Redmi Note vốn là những smartphone tầm trung của Xiaomi nên trước đây chỉ được trang bị lớp vỏ nhựa nhưng với Redmi Note 3, Xiaomi đã chuyển sang thiết kế kim loại cao cấp hơn. Dù vậy, kiểu dáng thiết kế mặt sau trên Redmi Note 3 lại khá giống với những chiếc smartphone Trung Quốc khác từ Meizu hay Huawei. Dường như tới thời điểm này, các hãng điện thoại Trung Quốc bắt đầu cạn kiệt ý tưởng và đành phải sao chép thiết kế lẫn nhau.
Mặt sau của Redmi Note 3 có nhiều điểm tương đồng với chiếc smartphone Trung Quốc khác là Meizu M2 Note ra đời trước đó từ lâu
Mặt lưng của Xiaomi Redmi Note 3 cũng không phải làm toàn bộ bằng kim loại. Vẫn có những chi tiết nhựa ở 2 vùng cạnh trên và cạnh dưới với màu sắc đậm hơn. Đây có lẽ là khu vực để các sóng từ ăng-ten có thể đi qua bởi chất liệu kim loại vốn là vật cản sóng.
Cụm camera trên máy cũng gây chú ý với kích thước khá lớn đi kèm đèn flash kép 2 tông màu và ngay phía dưới là cảm biến vân tay được cắt vát kim loại lõm hẳn xuống. Theo các thông số kỹ thuật thì cảm biến camera sau trên Redmi Note 3 là tương tự thế hệ trước nhưng Xiaomi có vẻ cố tình làm cho cụm camera này to ra để cân đối tỉ lệ với phần cảm biến vân tay.
Phần loa ngoài cũng được đặt trên mặt lưng và Xiaomi tỏ ra khá tỉ mỉ khi thiết kế thêm 1 mấu nhỏ nhô lên để máy không bị chặn âm khi phát nhạc trên bề mặt phẳng.
Chất liệu kim loại trên mặt lưng của Redmi Note 3 mang lại cảm giác cầm nắm khá tốt do các cạnh đều được bo cong mạnh, thân thiện với bàn tay. Cụm phím bấm vật lý gồm nút nguồn và tăng giảm âm lượng bố trí ở cạnh phải, độ nảy tốt, dễ thao tác. Các phím bấm này cũng được cắt vát kim cương khá bắt mắt. Bên cạnh trái là khe cắm SIM và cả 2 khay SIM của Redmi Note 3 đều là chuẩn micro. Máy không có khe cắm thẻ nhớ mở rộng.
Trong khi đó, mặt trước của Redmi Note 3 có thiết kế hợp lý, viền màn hình tương đối mỏng mang tới tỉ lệ màn hình/khung máy khoảng 72.4% (tương đương chiếc LG G4). Các nút cảm ứng được đặt ngoài cạnh chứ không phải nút ảo tích hợp trên màn hình nên đỡ chiếm mất diện tích hiển thị.
Redmi Note 3 vẫn chỉ sử dụng cổng microUSB truyền thống chứ không phải type C mới nhất, bù lại máy vẫn có cổng hồng ngoại ở cạnh trên để điều khiển các thiết bị điện tử giống với Redmi Note 2.
Sở hữu viên pin tới 4000mAh nên kích thước của Redmi Note 3 khá dày nhưng đáng khen khi trọng lượng của máy vẫn rất nhẹ.
Nhìn chung, Redmi Note 3 có thiết kế khá đẹp mắt và cứng cáp nhờ sử dụng chất liệu kim loại cho vỏ máy. Máy cũng cho cảm giác cầm nắm tốt nhờ được gia công cẩn thận.
Màn hình
Xiaomi Redmi Note 3 vẫn sử dụng màn hình IPS LCD 5.5 inch độ phân giải Full HD như trên chiếc Redmi Note 2, chất lượng hiển thị của Redmi Note 3 theo quan sát bằng mắt thường là khá tốt. Máy tái tạo màu sắc rực rỡ và có đôi phần nịnh mắt, độ tương phản cao, góc nhìn rộng. Khi dùng ngoài trời, màn hình của Redmi Note 3 cũng tự động đẩy cao độ tương phản và độ sáng lên giúp quan sát dễ hơn.
Ngoài ra, máy cho phép tùy chỉnh khá nhiều về chế độ hiển thị như chế độ đọc sách giúp làm giảm ánh sáng xanh, bảo vệ mắt tốt hơn trong đêm, tùy chỉnh nhiệt màu, chỉnh độ tương phản...
Camera
Độ phân giải và các thông số camera trên Xiaomi Redmi Note 3 là hoàn toàn tương tự như trên Redmi Note 2 nên tốc độ lấy nét, chụp và lưu ảnh vẫn khá nhanh, cả khi bật chế độ HDR. Tuy vậy, chất lượng ảnh thực tế lại có phần kém hơn đôi chút so với thế hệ trước. Rõ rệt nhất là khả năng đo sáng trên Redmi Note 3 đuối hơn. Cùng 1 khung cảnh nhưng chiếc Redmi Note 2 đo sáng chuẩn xác hơn nhiều, trong khi Redmi Note 3 rất khó khăn để có được độ sáng tương đương.
Độ chi tiết ảnh của Redmi Note 3 cũng không cao. Khu vực ngoài vùng trung tâm của bức ảnh bị out nét hơn chứ không lấy nét đều trên toàn bộ vùng ảnh như Redmi Note 2, có vẻ như Xiaomi muốn tinh chỉnh lại một chút để tạo sự khác biệt giữa 2 thiết bị nhưng họ lại chưa làm tốt điều này.
Điểm vớt vát lại là camera trước vẫn giữ nguyên chất lượng, khả năng làm mịn da hoạt động tốt, khẩu độ lớn f/2.0 giúp lấy sáng tốt khi chụp tối, nhưng ngược sáng vẫn chưa ổn.
Hiệu năng
Cấu hình Redmi Note 3 cũng tương đương Redmi Note 2, cùng con chip MediaTek Helio X10 MT6795, đồ họa PowerVR G6200và RAM 2 hoặc 3GB tùy chọn theo phiên bản bộ nhớ 16 hoặc 32GB.
Máy xử lý nhanh nhẹn mọi tác vụ, chơi game rất tốt. Mọi game nặng ở mức đồ họa cao nhất đều có thể xử lý mượt mà, không hề có hiện tượng giật, lag. Việc sử dụng GPU Power VR G6200 đã mang lại hiệu năng xử lý đồ họa tốt hơn nhiều mẫu chip MediaTek khác sử dụng GPU Mali.
Tuy nhiên, điểm benchmark qua AnTuTu của Redmi Note 3 lại kém hơn so với Redmi Note 2. Máy chỉ đạt hơn 37000 điểm so với mức gần 45000 điểm của thế hệ trước. Rất có thể phần mềm trên máy vẫn chưa hoàn thiện nên đã ảnh hưởng đến điểm đánh giá hiệu năng.
Cảm biến vân tay
Xiaomi Redmi Note 3 là chiếc máy đầu tiên của Xiaomi được trang bị công nghệ cảm biến vân tay. Việc đặt cảm biến vân tay ở mặt lưng hay mặt trước thì thuận hơn vẫn còn là điều gây tranh cãi nhưng nhìn chung, trải nghiệm sử dụng cảm biến vân tay trên Redmi Note 3 không gặp trở ngại nào đáng kể.
Việc thiết lập bảo mật vân tay tương đối nhanh chóng và giống với các smartphone khác trên thị trường hiện nay. Người dùng có thể thiết lập tối đa 5 dấu vân tay cho máy. Ngoài việc dùng vân tay để mở khóa cho máy, bạn cũng có thể dùng thay thế mật khẩu cho chế độ trẻ em.
Vân tay của Redmi Note 3 có thể sử dụng ngay cả khi màn hình đang tắt, tốc độ mở khóa rất nhanh, gần như ngay lập tức sau khi đặt ngón tay vào cảm biến ở mặt lưng.
Tuy nhiên, cảm biến vân tay trên Redmi Note 3 chỉ hoạt động tốt nhất nếu bạn để ngón tay dọc hoặc hơi chéo so với thân máy. Nếu để ngón tay theo chiều ngang, máy sẽ rất khó khăn để nhận diện. Một lưu ý nữa là cảm biến vân tay trên Redmi Note 3 cũng không hoạt động nếu ngón tay bị ướt.
Phần mềm
Xiaomi từng công bố khi bán ra chiếc Xiaomi Redmi Note 3, máy sẽ cài sẵn Android 5.1 với giao diện tùy biến MIUI 7 nhưng thực tế máy mới chỉ chạy Android 5.0.
Một điểm quan trọng nữa với người dùng Việt Nam là hiện tại chiếc máy này chưa hỗ trợ cài đặt phiên bản ROM quốc tế, chưa cho phép mở khóa bootloader hoàn chỉnh để lập trình viên có thể can thiệp và việt hóa ROM cũng như cung cấp những bản ROM tối ưu hơn cho thị trường Việt Nam. Máy cũng còn những lỗi phần mềm khá nghiêm trọng như bị treo cứng khi vào chế độ trẻ em.
Ngoài ra, MIUI 7 trên Xiaomi Redmi Note 3 cũng không có tính năng nào mới mẻ. Có vẻ như Xiaomi cũng đã dần đuối ý tưởng để mang thêm nhiều tính năng mới về phần mềm cho nền tảng hệ điều hành tùy biến của mình và chỉ còn tập trung vào phần cứng bằng việc ra mắt nhiều sản phẩm nhất có thể.
Nguồn: Vnreview
0 nhận xét:
Đăng nhận xét