Vụ kiện tụng giữa Apple, Qualcomm chưa đến hồi kết nhưng Intel đã bắt đầu tham chiến. iPhone 8 chưa ra đời đã trở thành tâm điểm của mọi tranh cãi.
Đầu tháng này, Qualcomm leo thang trong cuộc tranh chấp pháp lý với Apple nhằm yêu cầu Uỷ ban thương mại Quốc tế Hoa Kỳ (ITC) cấm nhập khẩu iPhone trang bị chip Intel.
Ngày 20/7, Intel đệ đơn lên ITC và cho rằng yêu sách của Qualcomm như một chiến thuật chống cạnh tranh được thiết kế để loại bỏ đối thủ (như Intel) ra khỏi thị trường modem mà Qualcomm đang chiếm ưu thế.
Apple đang đại diện cho cả những nhà sản xuất smartphone chống lại sự độc tài của Qualcomm. Ảnh: EETimes.
"Khiếu nại của Qualcomm là công khai ngăn chặn sự cạnh tranh hợp pháp từ đối thủ duy nhất", Intel ghi trong bản đệ trình lên ITC.
Trong bản báo cáo ban đầu của Qualcomm gửi đến ITC đầu tháng 7, nhà sản xuất chip di động tuyên bố iPhone đã vi phạm 6 bằng sáng chế. Qualcomm chỉ nhắm mục tiêu đến iPhone dùng chip mạng Intel, chứ không phải những mẫu dùng chip Qualcomm.
Intel không đồng ý với những cáo buộc trên. "Một lệnh trừng phạt (cấm bán iPhone) sẽ gây ra thiệt hại đáng kể cho lợi ích cộng đồng", Intel viết trong thông báo gửi đến ITC hôm 20/7. "Một lợi ích quan trọng của công chúng là ngăn không cho Qualcomm tìm cách loại bỏ Intel khỏi thị trường chip LTE cao cấp thông qua phán quyết của Uỷ ban Thương mại Liên bang (FTC)", Intel khẳng định.
Intel cũng cho rằng việc Qualcomm tìm cách cấm iPhone sẽ khiến thiết bị này trở nên đắt đỏ tại Mỹ cũng như "bóp chết những phát minh tương lai". Microsoft, Amazon, Google và Facebook cũng đồng quan điểm này.
Apple từng sử dụng chip mạng LTE của Intel trên một số phiên bản của iPhone 7, còn lại dùng chip của Qualcomm. Trong nhiều năm qua, Qualcomm là nhà cung cấp chip mạng duy nhất cho iPhone. Các nhà phân tích dự đoán Intel sẽ chiếm một phần lớn trong các lô hàng iPhone 8 của năm nay.
Theo Intel, Qualcomm có "lịch sử lâu dài" về hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Qualcomm là nhà sản xuất chip mạng tiên phong cho phép điện thoại kết nối với các mạng di động trên toàn cầu, đồng thời thu phí trên mỗi chiếc điện thoại được bán ra nếu sử dụng công nghệ của Qualcomm.
Cuộc chiến giữa Qualcomm và Apple nổ ra vào tháng 1/2017. Apple đệ đơn kiện Qualcomm, cáo buộc nhà sản xuất chip đã bất công khi yêu cầu tính phí bản quyền cho các công nghệ mà họ không liên quan đến".
Trong đệ trình của Qualcomm hồi tháng 4, công ty đã phủ nhận cáo buộc của Apple và "phản đòn" bằng cách tố ngược lại táo khuyết. Apple bị cho là đã khởi động cuộc chiến trên diện rộng với Qualcomm và được những công ty công nghệ lớn khác như Samsung "chống lưng". Đồng thời, Qualcomm cho rằng Apple đã đưa ra những tuyên bố sai, gây hiểu lầm cho các nhà quản lý.
Dù chưa ngã ngũ, cuộc chiến pháp lý này đã giáng một đòn mạnh mẽ vào tài chính của Qualcomm. Lãi ròng quý III của công ty này giảm đến 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài Apple, một hãng điện thoại lớn khác cũng bắt đầu "ôm" tiền bản quyền, không chịu trả cho Qualcomm.
Tuy nhiên, Qualcomm không tiết lộ "danh tính" của công ty này. Nhà phân tích Stacy Rasgon của Bernstein Research cho rằng Huawei là cái tên đáng nghi nhất đang chây ì, không trả tiền bản quyền cho Qualcomm để chờ đợi kết quả có lợi từ Apple.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét